Ban Kinh tế Trung ương
Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc định hướng xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; hoạch định đường lối, chủ trương, biện pháp lớn, quan trọng về kinh tế - xã hội.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI thì Ban Kinh tế Trung ương được thành lập trở lại theo Quyết định số 160/QĐ-TW ngày 28 tháng 12 năm 2012. Trước đó Ban Kinh tế Trung ương được hợp nhất về Văn phòng Trung ương Đảng từ tháng 5 năm 2007.
Bộ Công Thương
Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí, luyện kim, điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, dầu khí, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác, thương mại và thị trường trong nước; xuất nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển thị trường ngoài nước, quản lý thị trường, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, dịch vụ thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, quản lý cạnh tranh, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Đài Truyền hình Việt Nam
Đài Truyền hình Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Television, viết tắt: VTV), là đài truyền hình quốc gia thuộc sở hữu của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đài chịu sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông, có nhiệm vụ "tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Quốc hội, góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân".[1][2] Hiện nay, Đài Truyền hình Việt Nam đang có 11 kênh truyền hình quảng bá và hệ thống kênh truyền hình cáp được phủ sóng toàn quốc, phát sóng chủ yếu các chương trình tin tức, phim tài liệu, giáo dục xã hội, hài kịch, giải trí và chính kịch.
VTV hiện đã phủ sóng được qua rất nhiều nền tảng khác nhau, phát sóng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước như Lào, Trung Quốc, Thái Lan[3][4]... và các nước trên thế giới qua vệ tinh và các ứng dụng xem trực tuyến của Đài.
Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội
Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội (tiếng Anh: Hanoi Radio - Television Station, tên cũ: Đài Truyền thanh Hà Nội) là cơ quan truyền thông báo chí trực thuộc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội. Ngoài hai lĩnh vực chính là phát thanh và truyền hình, Đài đã thành lập Báo điện tử Hà Nội vào ngày 14 tháng 10 năm 2002, nhân dịp kỷ niệm 68 năm thành lập.
Báo Công Thương
Báo Công Thương[1] là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập theo quy định tại Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.
Báo Công Thương là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương, phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ, thực hiện hoạt động báo chí theo quy định của Luật Báo chí.
Báo Công Thương chịu sự lãnh đạo, quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Công Thương, chịu sự chỉ đạo về chính trị tư tưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương và chịu sự quản lý nhà nước về báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Báo Công Thương có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng, có con dấu để hoạt động và giao dịch theo quy định của pháp luật.
Báo Công Thương có tên giao dịch quốc tế bằng Tiếng Anh: Industry and Trade Review
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Trụ sở của Petrovietnam đặt tại 18 phố Láng Hạ, quận Ba Đình, Hà Nội. Cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bao gồm Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Oil and Gas Group), giao dịch và được biết đến rộng rãi dưới tên thương hiệu Petrovietnam (PVN), là tập đoàn dầu khí quốc gia trực thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc phát hiện, khai thác và làm gia tăng giá trị của nguồn tài nguyên dầu khí tại Việt Nam. Tư cách pháp nhân của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, vốn pháp định 177.628.383.625.944 đồng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (tên giao dịch quốc tế là Vietnam Electricity, viết tắt là EVN (Électricité du Vietnam)) thuộc Bộ Công thương là một doanh nghiệp nhà nước hạng đặc biệt của Việt Nam kinh doanh đa ngành. Trước tháng 9 năm 2006, tập đoàn này chính là Tổng công ty Điện lực Việt Nam, một tổng công ty nhà nước do Trung ương quản lý. Trụ sở chính của tập đoàn nằm tại số 11 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất, điều độ, mua bán buôn điện năng, xuất nhập khẩu điện năng, đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện.
Tập đoàn đầu tư xây dựng và sở hữu các nhà máy phát điện, hệ thống truyền tải điện, hệ thống điện lưới phân phối, điều độ vận hành điện lưới quốc gia, xuất nhập khẩu điện năng với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia, đảm bảo cung cấp điện thực hiện kế hoạch vận hành theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam.