Với việc tăng tốc phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng tăng trưởng toàn ngành năm 2024 sẽ đạt 3,2 - 4%.
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có cuộc trao đổi với phóng viên, báo chí xung quanh vấn đề này.
Thưa Thứ trưởng, tình hình xuất khẩu nông lâm thủy sản 9 tháng vừa qua, mặc dù chúng ta mới qua 3/4 thời gian của năm, nhưng đã đạt được khoảng 84% mục tiêu đặt ra. Ông có thể chia sẻ cụ thể về kết quả này?
9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%; nhập khẩu 32,42 tỷ USD, tăng 7,5%. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản đạt 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%.
Bộ Nông nghiệp không hạ mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2024. (Ảnh: N.H) |
Đáng chú ý, trong tháng 9, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với tháng 9/2023; trong đó, xuất khẩu nông sản chính 3,41 tỷ USD (tăng 50,9%), lâm sản 1,33 tỷ USD (tăng 11%), thủy sản 920 triệu USD (tăng 13,4%), chăn nuôi 46,1 triệu USD (tăng 19,1%).
FullscreenTính chung 9 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng, nên kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng và đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21%. Đóng góp vào kết quả này có: nông sản 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; chăn nuôi 376 triệu USD, tăng 3,8%...
Do ảnh hưởng của lũ bão, đặc biệt sau cơn bão số 3, các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, nông nghiệp khu vực này quy mô không lớn, xuất khẩu chủ yếu tập trung tại các tỉnh phía Nam, miền Trung. Do đó, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu tháng 9 vẫn đảm bảo duy trì, thậm chí còn tăng hơn 8 tháng đầu năm.
3 tháng cuối năm, tôi cho rằng, đây là cái thời điểm thuận lợi để chúng ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024.
Mưa lũ vừa qua tại các tỉnh miền Bắc gây thiệt hại không nhỏ, công tác khắc phục, hỗ trợ bà con tái sản xuất cũng như thúc đẩy xuất khẩu từ nay đến cuối năm được triển khai như thế nào, thưa ông?
Năm 2020, khi lũ, bão xảy ra, ảnh hưởng rất lớn, khi đó, cần tính chọn đối tượng nào để phục hồi sản xuất nhanh, đồng thời, huy động những nguồn lực xã hội cùng với cơ chế chính sách của Chính phủ để phục hồi đà tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến (Ảnh: Nguyễn Hạnh) |
Và năm đó, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 2,62%. Toàn khóa 2016-2020 chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng 2,65%.
Cơn bão số 3 đi qua gây thiệt hại khoảng 80.000 tỷ đồng cho toàn nền kinh tế, trong đó, riêng nông nghiệp thiệt hại khoảng 30% trong tổng số này. Với thực trạng thiệt hại này, Bộ đã có văn bản chỉ đạo từ xử lý môi trường đến phòng chống dịch bệnh cũng như tổ chức các hội nghị phục hồi sản xuất. Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, toàn ngành nông nghiệp đẩy nhanh quá trình sản xuất.
Và chúng tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng, nếu thực nghiêm túc Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ; cùng với việc tổ chức triển khai các giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra, chúng ta sẽ sớm khôi phục sản xuất, ổn định lại đời sống cho bà con nông dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Vừa qua, Ấn Độ đã gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo, việc này được nhận định sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến xuất khẩu gạo Việt Nam. Về phía Bộ sẽ có sự chuẩn bị gì để duy trì giá trị xuất khẩu cũng như sản lượng gạo, thưa ông?
Hiện gạo Việt Nam đã có thị phần nhất định, chất lượng gạo Việt ổn định. Hết 9 tháng năm 2024, chúng ta đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, với giá trị 4,37 tỷ USD, tăng 23,5%. Chúng tôi tin chắc rằng, với hệ sinh thái lúa gạo trong chuỗi giá trị ngành hàng gắn với thị trường đã chặt chẽ và bài bản hơn. Do đó, việc biến động chính sách của Ấn Độ, gạo Việt sẽ có tác động nhưng không quá nhiều.
Là quốc gia nông nghiệp nhưng chúng ta hiện nay nhập khẩu nhiều sản phẩm chăn nuôi, đâu là nguyên nhân thưa ông?
Hiện Việt Nam đã hội nhập khu vực và quốc tế, do đó, chúng ta cũng phải mở cửa. Việc này giúp thúc đẩy phát triển sản xuất, cập nhập khoa học công nghệ. Trong thời gian vừa qua, Bộ cũng tập trung vào 3 mũi nhọn để duy trì tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi.
Bởi ngành chăn nuôi có quy mô tới 33 tỷ USD, chiếm 5% GDP ngành nông nghiệp. Nếu không duy trì được tăng trưởng thì chúng ta sẽ khó đạt được mức tăng trưởng 3,24% của toàn ngành nông nghiệp.
Do đó, việc đầu tiên cần thực hiện là tập trung cho xuất khẩu. Chúng ta đã có doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà đi Nhật Bản, EU và hiện nay, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi đang đặc biệt quan tâm thị trường Halal với quy mô 2,2 tỷ người. Bên cạnh đó, là tập trung chống buôn lậu gia cầm ở phía Bắc và buôn lậu lợn ở phía Nam.
Có thể thấy, 9 tháng đầu năm mặc dù ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nhưng các chỉ tiêu sản xuất, xuất khẩu của ngành nông nghiệp khá yên tâm. Đó là lúa gạo thu hoạch đạt 34,01 triệu tấn, tăng 1,5%, xuất khẩu gạo đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% với lượng 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%. Sản lượng thịt các loại đạt 6,13 triệu tấn, tăng 4,8%.
Trong chăn nuôi, với gà công nghiệp chỉ cần hơn 1 tháng, gà lông màu trên 3 tháng, vịt ngan chỉ có 45-50 ngày, chăn nuôi lợn khoảng 4 tháng là có sản lượng. Cùng với việc thúc đẩy sản xuất tại những địa phương có quy mô lớn để bù đắp sản lượng thiếu hụt từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tin tưởng sẽ sớm phục hồi sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản để đảm bảo nguồn cung cho trong nước và xuất khẩu.
Nếu chúng ta khôi phục nhanh với những đối tượng phù hợp, tôi tin rằng chúng ta sẽ duy trì đà tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp từ 3,2% đến 4% trong năm 2024 này.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh